Cấp dưỡng là việc một người dùng tiền hoặc tài sản khác của mình để đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng nếu người đó chưa thành niên (tức là chưa đủ 18 tuổi) hoặc người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc là người đó đang gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Thứ nhất, cha mẹ phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng chưa không có khả năng lao động và không có tài sản tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Thứ hai, con phải cấp dưỡng cho cha mẹ trong trường hợp con đã thành niên không sống chung với cha nghĩa và cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Thứ ba, khi trong gia đình không còn cha mẹ hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì:
– Trường hợp anh, chị đã thành niên không sống chung với em phải cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để nuôi mình hoặc em đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi mình;
– Ngược lại em đã thành niên không sống chung với anh chị phải cấp dưỡng cho anh chị không có khả năng lao động có không có tài sản để nuôi mình.
Thứ tư, Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu phải cấp dưỡng cho cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có anh, chị, em thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Ngược lại Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa cấp dưỡng trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân & Gia đình.
Thứ năm, Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột phải cấp dưỡng cho cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng.
Ngược lại, Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng.
Thứ sáu, khi ly hôn nếu bên vợ hoặc chồng gặp khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Như vậy các trường hợp cấp dưỡng được quy định từ điều 110 đến điều 115 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 và cần lưu ý rằng nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.