LIVESTREAM XÚC PHẠM NGƯỜI KHÁC, CÓ BỊ SAO KHÔNG?

Dạo gần đây, cộng đồng mạng ồn ào hẳn vì liên tục trong nhiều ngày có những livestream phủ sóng của một quý bà khá là nổi tiếng. Cư dân mạng nhiều người khá là bức xúc vì Quí bà ấy kiêu sa, sang chảnh, sắc màu sặc sỡ, nhưng không phun châu nhả ngọc mà là xuyên suốt livestream những lời lẽ chua cay, độc địa, xúc phạm hết người này đến người khác (mà toàn những người nổi tiếng); xa xả, từ ngày này qua ngày khác, tấn công FB của mọi người. Thông tin không có tính xác thực, thái độ không đúng mực của chị này, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác và làm cho ảnh hưởng xấu đến văn hóa cộng đồng mạng. Vậy, những người như quý bà kia phải chịu trách nhiệm pháp lý gì khi thực hiện hành vi xử dụng mạng xã hội, livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác?

Trước hết, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Thứ hai, pháp luật nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác.

Hành vi này có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Mức phạt này áp dụng đối với tổ chức; cá nhân có mức phạt tiền bằng 1/2 của tổ chức, tức từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng).

Trường hợp hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, bị phạt tù có thể lên 07 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có thể đến 05 năm.

Hành vi xúc phạm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Các thiệt hại đó bao gồm các thiệt hại về vật chất và cả tinh thần, các thiệt hại thực tế xảy ra, các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục các thiệt hại đó,… Đồng thời, người đăng tin sai phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó.

Vì vậy, người sử dụng mạng xã hội cần cẩn thận, tránh lợi dụng không gian ảo xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác thì có thể chịu trách nhiệm pháp lý thật chứ không thể xem thường.

Chi tiết có thể tham khảo tại Điều 34 Bộ luật dân sự 2015, Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020; Điều 156 Bộ luật hình sự 2015.